IELTS SPEAKING

7 bước để nói tiếng Anh trôi chảy

Rất nhiều bạn hỏi mình câu hỏi “làm thế nào để nói tiếng Anh trôi chảy”. Đây không phải là cái gì to tát mà các bạn không thể thực hiện được, bằng chứng là đã có rất nhiều người Việt Nam mình giao tiếp được chẳng khác gì người bản địa. Nhưng cũng không phải dễ dàng gì mà có được trong ngày một ngày hai. Bạn phải có một vốn kiến thức CƠ BẢN về ngữ pháp, phát âm, từ vựng… và đặc biệt là sự KIÊN TRÌ. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn con đường đi cụ thể dài hạn nhưng mình tin là đúng đắn để các bạn tự tin bước đến cái đích “nói tiếng Anh lưu loát” của mình.

1. Start small


“Start small” nói về việc thiết lập mục tiêu và kế hoạch học tập. Đây là bước làm các bạn hứng khởi nhất và cũng là bước khiến các bạn dễ nhụt chí và bỏ cuộc nhất. Vậy làm thế nào để thiết lập được mục tiêu đúng đắn và kế hoạch phù hợp là rất quan trọng.

Mục tiêu đúng đắn là gì? Chính là để trả lời cho câu hỏi “Why do you want to study English?” Bạn học tiếng Anh để làm gì? Tại sao bạn cần tiếng Anh. Từ đó xác định bạn sẽ học cái gì? “What are you going to study?”

Ví dụ, nếu bạn muốn học tiếng Anh để trở thành một bác sỹ, luật sư thì tiếng Anh bạn học sẽ phải khác với tiếng Anh dùng trong những tình huống giao tiếp thông thường như trong quan bar, clubs. Mục tiêu phải cụ thể, rõ ràng. Còn nếu mục tiêu là học tiếng Anh để Giao tiếp thì phải xác định là học cả đời. Vì như chính mình bây giờ, nói là có thể giao tiếp khá thành thạo với người nước ngoài trong các tình huống giao tiếp thông thường nhưng nếu đặt mình vào tình huống đưa người thân vào gặp bác sỹ tây, phải giải thích bệnh tình của bệnh nhân với bác sỹ thì mình chịu vì mình không có vốn từ và khả năng giao tiếp trong trường hợp này.  Vì thế đầu tiên hãy xác định cụ thể mục tiêu học tiếng Anh của bản thân nhé.

Kế hoạch phù hợp là gì? Tuyệt đối đừng đưa ra kế hoach là một ngày 2 tiếng, 3 tiếng hay thậm chí là 30 phút học tiếng Anh. Vì chắc chắn bạn sẽ khó mà duy trì. Hãy “start small”. Mục tiêu chỉ nên là “mỗi ngày học ít nhất 10 phút tiếng Anh” và các bạn sẽ thấy thực hiện nó dễ như thế nào và nó sẽ tạo động lực cho các bạn rất nhiều. Cái quan trọng là phải duy trì được hàng ngày. Chỉ 10 phút trong tổng số 1224 phút bạn có mỗi ngày. Rất dễ dàng phải không.

Tất nhiên ÍT nhất là 10 phút còn bạn nào muốn học nhiều hơn thì rất tuyệt vời  nhưng không nên đưa nó vào mục tiêu vì không nên để mình bị đánh bại bởi chính mục tiêu do mình viết ra. Bạn sẽ cảm thấy hứng khởi hơi khi bạn làm gì đó vượt mục tiêu đề ra, đúng không?

2. Listen a lot


Các bạn nên bỏ thói quen học từ vựng mà không có âm thanh đi kèm vì nó cực kỳ, cực kỳ vô dụng và nếu có thì chỉ có tác dụng rất ngắn hạn trong thi cử thôi, chứ ko thể giúp bạn nói trôi chảy được. Luôn luôn gắn việc học tiếng Anh với việc nghe tiếng Anh, nghe càng nhiều càng tốt. Tất nhiên là không phải nghe tất cả mọi thứ mà nghe nhưng gì bạn muốn biết, bạn quan tâm và bạn muốn nói: “Listen to what you want to be able to understand and to speak”. Ví dụ nếu bạn muốn khen hay chê người khác bằng tiếng Anh, hãy xem các chương trình The Voice, X-Factor, Got Talent để nghe người ta nhận xét về nhau. Hoặc nếu bạn muốn chửi, muốn phàn nàn, nói xấu người khác, xem Next Top Model hoặc Amazing Race. Hay nếu bạn muốn học để giao tiếp được những cuộc hội thoại thông thương, xem American sitcoms. Vậy làm thế nào thì làm, hãy biến việc nghe tiếng Anh thành một phần trong cuộc sống của bạn để bạn có thể nghe mỗi ngày.

3. Pick up suitable materials for your level


Chọn đúng tài liệu học với trình độ của mình. Nếu bạn xem một cái video mà bạn không hiểu trên 50% nội dung của video đó thì bạn chưa nên xem vì nó quá khó với trình độ của bạn và sẽ làm bạn nhụt chí. Còn nếu bạn xem một video mà bạn hiểu đc 80, 90 thậm chí là 100% nội dung rồi thì việc xem đi xem lại chỉ nên là một sự duy trì cho việc học tiếng Anh của bạn thôi vì bạn sẽ không học được nhiều cái mới từ video đó. Còn nếu bạn xem một video và không hiểu tầm 30-40% nội dung video đó thì đó chính là những video bạn nên xem đấy ạ. Nó không quá khó làm cho các bạn mất niềm tin vào bản thân nhưng nó cũng đủ khó để bạn học thêm những từ mới. Khi bạn thấy một từ mới xuất hiện trong video chủ đề mà bạn quan tâm, cố gắng để ý, đặc biệt là những từ xuất hiện 2, 3 lần. Ghi lại từ đó, chú ý cách đọc, cách biểu lộ cảm xúc, tra trừ điển để biết xem từ đó có nghĩa là gì.

Nếu các bạn đang muốn học phát âm và chưa tìm được tài liệu phù hợp, hãy thử bắt đầu với series hướng dẫn phát âm của bọn mình nhé.

4. Repeat out loud


Bước này mình vẫn hay gọi là tự sướng. Khi bạn đã xác định được từ mới, tra được nghĩa của từ rồi thì phải cố gắng sử dụng ngay. Sử dụng ở đây là nói được ra từ đó bằng chính miệng của bạn đấy ạ. Nghe từ đó được người bản địa nói như thế nào, sau đó, bắt chước và nhại theo nhiều lần, to, rõ và chính xác không bỏ sót một âm nào. Ví dụ nghe từ subscribe mà đọc thành subcribe là chưa giống rồi. Nếu như bạn đang ở trong một môi trường khó nói to, bạn có thể nhắc đi nhắc lại trong đầu cũng được, miễn là các bạn phải nhắc đi nhắc lại từ đó nhiều lần NGAY LẬP TỨC để não bộ bạn ghi nhận âm thanh lưu vào bộ nhớ của bạn.

5. Connect


Khi bạn đã đọc to nhiều lần, miệng bạn quen với từ đó rồi. Hãy đến với bước giúp bạn nhớ từ – Liên tưởng. Liên tưởng từ mới này với bất kỳ một cái gì bạn đã biết trước đó. Đó có thể là một từ có âm giông giống nhau (ví dụ mình nhớ rất nhanh từ impotent khi liên tưởng đến từ important nhưng bị sai trong âm, ừ này có nghĩa là bất lực). Hay các bạn có thể liên tưởng ngay đến những từ đồng nghĩa. Mình đã tự tạo thói quen khi mình thấy hay tra nghĩa của một từ mới, mình nghĩ ngay trong đầu ra một loạt những từ đồng nghĩa. (Ví dụ mình gặp từ này khá nhiều lần trong các bài đọc: eminent, và đến khi mình thấy nó xuất hiện nhiều quá nên mình tra từ điển. Nghĩa của nó là xuất sắc, xuất chúng. Mình không nhớ nghĩa tiếng Việt đó mà ngay lập tức nghĩ: ah so it means clever, smart, intelligent, sharp… Đây cũng là một cơ hội để bạn gợi lại rất nhiều từ đồng nghĩa mà bạn đã biết trước đó.) Hoặc là bạn có thể liên tưởng đến một âm thanh, một hình ảnh mà bạn đã biết hay thậm chí là một feeling. Ví dụ mình học từ disgusting bằng cách mỗi lần đọc từ đó ra mình lại cố làm ra cái mặt đang cảm thấy kinh tởm vì nghĩa của nó là kinh tởm hoặc là nhục nhã, hổ thẹn.

Một điều rất quan trong nữa hãy đặt câu với từ đó, đặt một cuộc hội thoại với từ đó hay thậm chí là kể một câu chuyện có từ đó. Đặt càng gần với bạn, càng quen thuộc với bạn càng dễ nhớ và không cần phải quá cầu kỳ.

VD : My father thinks it’s disgusting that my uncle is so impotent that he lets my eminent aunt become the breadwinner of his family.

Các bạn hãy từ tra và liên tưởng để biết nghĩa và biết cách dùng của từ breadwinner nhé.

6. Use the word and get feedback


Cố gắng sử dụng ngay từ mà mình vừa học. Sử dụng ở đây không có nghĩa là tự sướng với bản thân nữa. Cố gắng tạo một ngữ cảnh mà bạn có thể sử dụng từ đó để nói với người bản địa nhanh nhất có thể, hay nói với một người giỏi tiếng Anh và cố gắng hỏi họ cách mình sử dụng từ đó đã đúng hay chưa nhé. Điều này rất quan trong giúp bạn hiểu rõ và sử dụng đúng từ đó trong những tình huống giao tiếp tiếp theo. Nếu bạn không có cơ hội tiếp xúc với những người mà mình nói ở trên, hãy viết một status bằng tiếng Anh sử dụng từ đó trên Facebook và chờ feedback. Hoặc thậm chí bạn có thể đánh từ đó lên công cụ tìm kiếm google để xem nó ra cái gì.

7. Review and continuingly practice


Cứ cuối mỗi ngày nằm trên giường, trước khi đi ngủ, hãy lẩm nhẩm tự ôn lại những từ mình học được trong ngày hôm đó BẰNG CÂU nhé, không phải bằng những từ đơn lẻ, tự nhớ lại những câu, cuộc hội thoại bạn đã đặt và nói lại (và phải có cảm xúc đi kèm), đảm bảo sẽ cực kì dễ nhớ. Cố gắng sử dụng từ đó hàng ngày , những ngày tiếp theo để từ đó đi vào bộ nhớ dài hạn của bạn, đó là khi bạn nhận ra bạn có thể sử dụng thành thạo từ đó lúc nào không hay.